Theo đánh giá của chuyên gia thể lực Bae Ji Won, từ thành tích nghèo nàn tại Asiad 19 đến vụ lùm xùm “bữa ăn 800 nghìn đồng” của các vận động viên (VĐV) đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia cho thấy sự thiếu nhận thức trong phát triển thể lực, thể chất của thể thao Việt Nam.
Bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung không đạt được kết quả tốt tại Asiad 19. Thành tích này khá đối nghịch với sự thống trị tại SEA Games. Một tờ báo của Indonesia đã đùa cợt rằng thể thao Việt Nam thống trị Đông Nam Á nhưng thất bại ở châu Á. Vấn đề ở đây là gì thưa ông?
– Vấn đề là sự đầu tư dàn trải và kinh phí eo hẹp. Thể thao Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào bầu sữa ngân sách nhưng phải căng mình trên quá nhiều bộ môn. Trong khi đó, việc thu hút tài trợ hay rộng hơn là các nguồn kinh phí xã hội hóa không đáng kể.
Ngay cả bóng đá, môn thể thao được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng, các CLB tại V-League đều phụ thuộc vào doanh nghiệp tài trợ. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh bóng đá rất hạn chế. Ngoài ra, cần có sự đầu tư chiều sâu vào các môn thể thao có tiềm năng tranh giành huy chương tại các giải đấu lớn, đặc biệt là Asiad và Olympic.
Nhìn chung, không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần dịch chuyển sự đầu tư dần sang các giải đấu lớn thay vì tập trung vào SEA Games. Rõ ràng chênh lệch trình độ giữa thể thao Đông Nam Á và châu Á chứ chưa nói thế giới vẫn còn xa, nhưng để có thể cạnh tranh, trình độ tổng quát phải ngày càng được nâng cao.
Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước cùng nỗ lực lớn lao từ Liên đoàn thể thao tương ứng.

Về việc đầu tư dàn trải, chẳng hạn như môn lặn vốn là môn thể thao Việt Nam thống trị Đông Nam Á thì không được đưa vào thi đấu tại Asiad và Olympic. Đối với quốc gia có thể thao phát triển như Hàn Quốc, kế hoạch đầu tư phát triển được triển khai ra sao thưa ông?
– Trong lĩnh vực thể thao, việc đầu tư dàn trải có ích cho sự phát triển đồng đều của các môn. Ý nghĩa của việc này đến từ vấn đề khoảng cách đầu tư lẫn sự quan tâm giữa môn thể thao phổ biến và không phổ biến rất lớn. Người hâm mộ hầu như chỉ theo dõi các môn thể thao được yêu thích rộng rãi.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt ở các giải đấu quan trọng như Asiad và Olympic, Hàn Quốc đầu tư mạnh vào các môn thể thao mang tính cá nhân như bắn cung, bắn súng, bóng bàn, võ thuật, marathon, bơi lội. Dù vậy, kinh phí đầu tư vẫn thua xa những môn thể thao phổ biến như bóng đá hay bóng chày.

Thực trạng chung là sự thiếu quan tâm của người hâm mộ ở một số môn thể thao, chẳng hạn như các môn thể thao cá nhân trong những bộ môn tôi vừa nêu. Những môn thể thao ít phổ biến, ít khả năng giành huy chương như điền kinh hay nhảy cầu thì kinh phí càng hạn hẹp.
Vì vậy, hầu hết các VĐV ở môn thể thao cá nhân ít phổ biến sẽ nhận được sự hỗ trợ chính từ chính quyền địa phương. Họ được đưa vào biên chế của thành phố, quận, huyện, nơi cư trú. Tất nhiên cơ sở hạ tầng thể thao của Hàn Quốc rất tốt, không chỉ thành phố lớn mà cả các thành phố nhỏ, thị trấn đều có sân vận động chất lượng để VĐV tập luyện.
Ngoài ra, các môn thể thao ít phổ biến khi tổ chức sự kiện sẽ được hỗ trợ từ chính quyền Trung ương đến địa phương và Liên đoàn (hiệp hội) thể thao tương ứng. Các VĐV cũng được ký hợp đồng với đội tuyển và CLB, được hưởng lương, hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, trang thiết bị cá nhân…